Tam quốc diễn nghĩa nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc (190-280). Tiểu thuyết này được xem là một trong bốn tác phẩm cổ điển hay nhất của văn học Trung Quốc.Tam quốc diễn nghĩa có khoảng 120 chương hồi được thể hiện theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu). Xuyên suốt tác phẩm là câu chuyện kéo dài hơn một trăm năm với rất nhiều sự kiện liên quan đến lịch sử, chính trị. Cái hay của tác phẩm cũng như sự tinh tế của La Quán Trung thể hiện ở việc truyện có rất nhiều sự việc nhưng không hề rối rắm.
Thông qua tác phẩm, tác giả bày tỏ quan điểm đứng về phía Thục Hán lên án Tào Ngụy đồng thời phản ánh nguyện vọng của nhân dân có một “ông vua tốt” xuất thân hàn vi, biết thương dân và vì dân hướng đến một đất nước thống nhất và hoà bình.
Đặc biệt trong bối cảnh khi nhà Nguyên của ngoại tộc Mông Cổ thống trị Trung Hoa, tác phẩm còn thể hiện khát vọng của nhân dân có một vị vua kế thừa dòng máu hoàng thất người Hán, đánh đuổi ngoại tộc để khôi phục lại triều đại của các vị vua người Hán.
Thủy hử hay Thủy hử truyện (水滸傳), nghĩa đen là “bến nước”, là một tác phẩm trong bốn tác phẩm lớn của văn học cổ điển Trung Hoa, thường gọi là nhóm Tứ đại danh tác.Đây là cuốn tiểu thuyết chương hồi đầu tiên viết bằng bạch thoại tự. Kiệt tác kể về sự hình thành và những thành tích của một nhóm người chống triều đình mà trở thành giặc cướp, thường gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Quá trình tập hợp của các anh hùng thảo dã tại bến nước để hình thành quân khởi nghĩa Lương Sơn Bạc được Thi Nại Am dành 70 hồi để diễn giải. Tuy nhiên, nhân vật đầu tiên được đề cập không phải là một trong các vị anh hùng Lương Sơn, mà là Cao Cầu. Theo ý kiến các nhà nghiên cứu, quá trình thăng tiến của gian thần Cao Cầu chính là sự tố cáo cho chính sự thối nát của nhà Bắc Tống khi đó mà người chịu trách nhiệm cao nhất là hoàng đế Tống Huy Tông, một quân vương chơi bời, không quan tâm tới việc triều chính.
Truyện đã nhiều lần được chuyển thể thành phim với nhiều phiên bản và luôn giữ được sức nóng, sức hấp dẫn của mình.
Tây Du Ký là một trong những tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Hoa, được xem là tác phẩm kinh điển nổi tiếng nhất cho thế hệ trẻ. Bộ phim Tây Du Ký được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên trải qua hơn chục năm vẫn luôn là bộ phim được mọi lứa tuổi yêu thích nhất.Tây du ký vốn bắt nguồn từ một câu chuyện có thật: Nhà sư trẻ đời Đường Thái Tông là Trần Huyền Trang năm 21 tuổi đã một mình sang Ấn Độ tìm thầy học đạo. Ông ra đi năm 629 đến năm 645 mới trở về, tổng cộng mất 17 năm.
Hồng lâu mộng còn có tên Thạch đầu kí. Tác phẩm được Tào Tuyết Cần sáng tác trong khoảng thời gian giữa thế kỉ 18 triều đại nhà Thanh của Trung Quốc. Với hơn 100 triệu bản được xuất bản, tiểu thuyết này trở thành một trong những sách bán chạy nhất của mọi thời đại.Tác phẩm xoay quanh câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hai anh em con cô con cậu: Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, từ đó mô tả cuộc sống nhiều mặt của một đại gia đình quý tộc đời Minh từ lúc cực thịnh cho đến lúc suy vi trong vòng tám năm. Những ai oán, giận hờn, tuyệt vọng của nhân vật được hiện lên sống động dưới ngòi bút tài hoa của Tào Tuyết Cần, để rồi biến nó thành những nhân vật sống mãi với thời gian.
Hơn hết, giá trị cao nhất Hồng lâu mộng đem đến sự thể hiện những tư tưởng của thời đại: tinh thần dân chủ, tinh thần phê phán đời sống xã hội phong kiến mục nát, phê phán những giáo điều cổ hủ đã ăn sâu bén rễ hàng ngàn năm, đòi tự do yêu đương và mưu cầu hạnh phúc, giải phóng cá tính, khao khát tự do bình đẳng, lý tưởng cho cuộc sống… thông qua người truyền tải đầy tài năng – Tào Tuyết Cần.