Những vạt cỏ màu nâu héo úa vì một ống phun nước ngắn đã vô tình hé lộ một trong những bí ẩn lớn nhất về bãi đá cổ Stonehenge.
Stonehenge vốn là “thánh địa trên những trụ đá”, công trình tượng đài cự thạch 4000 năm tuổi nổi tiếng ở Anh. Các nhà khảo cổ học từ lâu vẫn luôn tranh cãi về việc liệu bãi đá cổ xưa kia được khép kín hoàn hảo hay nó vốn dĩ là một vòng tròn khuyết như ngày nay. Và họ đã tình cờ biết được câu trả lời cho tranh cãi này nhờ một ống phun nước quá ngắn của đội bảo tồn di tích.
Ở bãi đá cổ Stonehenge, người ta sử dụng một hệ thống vòi phun nước để giữ cho lớp cỏ xanh tốt trong những đợt nắng nóng. Tuy nhiên, một trong những vòi phun đó lại quá ngắn, không thể đưa nước tới phần khiếm khuyết của vòng tròn đá khiến cho những vạt cỏ màu nâu héo úa bắt đầu xuất hiện.
Daw, một thành viên trong đội bảo tồn là người đầu tiên phát hiện ra điều này. Anh đứng ở lối đi, quan sát bãi cỏ gần những phiến đá và suy nghĩ về việc giải quyết tình trạng bằng cách thay vòi phun cũ bằng một chiếc mới dài hơn.
Tuy nhiên lúc đó, một suy nghĩ bất chợt lóe lên trong đầu anh. Daw nhận ra vị trí cỏ héo chính là nơi các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu nhưng thất bại trong việc tìm ra dấu tích của các phiến đá. Vì vậy, anh gọi một đồng nghiệp khác tới để kiểm chứng. Hai người nhận thấy, nếu Stonehenge từng là một vòng tròn hoàn hảo thì vị trí cỏ úa dường như trùng khớp với các điểm có thể trước đây là nơi đặt những phiến đá. Tuy nhiên, do không phải là chuyên gia nên Daw cùng đồng nghiệp mời một vài nhà khảo cổ tới nghiên cứu.
Sau khi tới tiếp nhận, đội ngũ chuyên gia đã nhanh chóng tiến hành chụp lại hình ảnh bãi đá cổ từ trên cao đề phòng trường hợp trời đổ mưa và xóa sạch dấu vết của những vạt cỏ úa. Đồng thời, họ cũng ghi chép vị trí các vết nứt ở rìa phía tây hạt Wiltshire trên bản đồ. Trên đó, những mảng màu nâu được đánh dấu khớp với vị trí đứng của các phiến đá, nếu như chúng từng là một vòng tròn hoàn chỉnh.
Ngoài ra, những vạt cỏ úa khác cũng tương ứng với các hố khai quật khảo cổ đã được ghi nhận, kể cả các đường rãnh mà kỹ sư William Gowland đào vào năm 1901. Tất cả những bằng chứng này đều chứng minh cho giả thuyết rằng di tích bãi đá cổ Stonehenge ngày nay từng bị xáo trộn hoặc mất mát so với ban đầu.
Những vạt cỏ nâu đã được phát hiện ra từ lâu nhưng tới 2013, kết luận cụ thể và rõ ràng mới được nêu chi tiết trong bài báo của Daw cùng với một nhân viên khác tại tổ chức Bảo tồn di sản Anh đăng trên tạp chí Antiquity. Bài báo khẳng định rằng mặc dù là một trong những di tích lịch sử được quan tâm và nghiên cứu nhiều nhất trên thế giới, Stonehenge vẫn còn là bí ẩn mang đến nhiều bất ngờ cho nhân loại. Ngoài ra, sự việc này cũng cho thấy tầm quan trọng của công tác khảo sát địa hình từ mặt đất lên đến trên không trong lĩnh vực khảo cổ học.
Trả lời về hiện tượng, bà Susan Greaney – nhà sử học cấp cao tại tổ chức Bảo tồn di sản Anh cho biết, đây là một phát hiện tình cờ nhưng vô cùng quan trọng và có ý nghĩa rất lớn. “Nó cho thấy chúng ta cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa về Stonehenge. Thật tuyệt vời khi chính những người chăm sóc di tích hàng ngày đã tìm thấy điểm đặc biệt và nhận ra nguyên bản thực sự của bãi đá cổ này trông như thế nào” – trích lời bà Susan.
Nhà sử học Greaney cũng nói thêm, những gì xảy ra với những phiến đá mất tích vẫn còn là một câu hỏi hóc búa chưa có lời giải đáp. Chúng có thể đã bị di chuyển và sử dụng làm vật liệu xây dựng cho những ngôi nhà bản địa xa xưa, hoặc thậm chí là làm đường.
Tuy nhiên, việc xuất hiện những đám cỏ úa do vòi phun nước quá ngắn càng cho thấy ít khả năng xảy ra giả thuyết cư dân thời cổ cố ý dựng lên bãi đá không hoàn chỉnh.
Hiện nay, các chuyên gia khảo cổ học chưa có ý định khai quật phần đất bên dưới những vạt cỏ úa màu nâu. Nhưng theo tổ chức Bảo tồn di sản Anh – cơ quan trực tiếp quản lý di tích Stonehenge, họ có thể sẽ tiếp tục không tưới nước khu vực này trong đợt nắng nóng tiếp theo với hi vọng có thể tìm ra dữ liệu mới giúp giải mã thêm các bí ẩn khác.